Lịch sử hoạt động USS Picuda (SS-382)

1943

Picuda tiếp tục ở lại Xưởng hải quân Portsmouth để hoàn tất việc trang bị cho đến ngày 18 tháng 11, 1943, khi nó lên đường để chạy thử máy, hoàn tất thử nghiệm ngư lôi ngoài khơi Newport, Rhode Island từ ngày 14 đến ngày 16 tháng 12, và chuyển đến Căn cứ Tàu ngầm Hải quân New London tại New London, Connecticut cho đợt thực hành huấn luyện sau cùng. Nó khởi hành từ New London vào ngày 1 tháng 1, 1944 và đi đến Balboa, Panama vào ngày 13 tháng 1 trước khi hướng sang khu vực Thái Bình Dương. Đi đến Trân Châu Cảng vào ngày 27 tháng 1, nó gia nhập Lực lượng Tàu ngầm Hạm đội Thái Bình Dương trong thành phần Đội tàu ngầm 201 thuộc Hải đội Tàu ngầm 20.[1]

1944

Chuyến tuần tra thứ nhất

Khởi hành từ Trân Châu Cảng vào ngày 17 tháng 2 cho chuyến tuần tra đầu tiên trong chiến tranh, Picuda hướng sang vùng biển quần đảo Caroline, đi đến khu vực tuần tra được chỉ định vào ngày 29 tháng 2. Tại một khu vực không xa Truk vào ngày 2 tháng 3, nó đã đánh chìm chiếc pháo hạm cũ Shinyo Maru (2.672 tấn) tại tọa độ 6°25′B 148°31′Đ / 6,417°B 148,517°Đ / 6.417; 148.517.[18] Sau đó nó phải lặn sâu để né tránh một loạt 15 quả mìn sâu được các tàu hộ tống thả xuống phản công.[1]

Đến ngày 18 tháng 3, Picuda chuyển sang tuần tra dọc tuyến đường hàng hải giữa SaipanPalau, và đến xế trưa đã phóng trúng ngư lôi vào một tàu chở dầu lớn của đối phương. Tuy nhiên, đợt phản công của hai tàu khu trục đối phương buộc nó phải lẫn tránh nên đã để mục tiêu chạy thoát. Con tàu đang đi ngầm ở độ sâu kính tiềm vọng ở vị trí khoảng 32 nmi (59 km) về phía Bắc đảo Yap lúc sau nữa đêm ngày 19 tháng 3, khi nó phát hiện mục tiêu và phóng bốn quả ngư lôi tấn công, trúng đích hai quả và đánh chìm được chiếc tàu chở hàng Hoko Maru (1.504 tấn) tại tọa độ 10°09′B 138°10′Đ / 10,15°B 138,167°Đ / 10.150; 138.167; 29 thành viên thủy thủ đoàn đã thiệt mạng cùng con tàu.[18][19][1]

Ngoài khơi bờ biển phía Tây đảo Yap vào ngày 30 tháng 3, Picuda tiếp cận một đoàn hai tàu chở hàng được hai tàu khu trục hộ tống, phóng năm quả ngư lôi nhắm vào chiếc tàu chở hàng lớn nhất. Quả thứ nhất trúng đích khiến mục tiêu chết đứng giữa biển, và quả thứ hai trúng mạn trái phía đuôi tàu đã khiến chiếc tàu chở hàng Atlantic Maru (5.873 tấn) lật úp tại tọa độ 12°15′B 145°42′Đ / 12,25°B 145,7°Đ / 12.250; 145.700.[18] Hai tàu khu trục đối phương đã phẩn công quyết liệt với 26 quả mìn sâu, nhưng chiếc tàu ngầm đã thoát được. Chỉ còn lại một quả ngư lôi, nó kết thúc chuyến tuần tra và quay trở về căn cứ tại đảo Midway vào ngày 5 tháng 4.[1]

Chuyến tuần tra thứ hai

Sau khi được tái trang bị, Picuda phục vụ một đợt huấn luyện cho sĩ quan và thủy thủ đoàn mới ngoài khơi Midway từ ngày 28 đến ngày 30 tháng 4. Ba ngày sau đó, nó tham gia một đội tấn công phối hợp ("Bầy sói") vốn bao gồm các tàu ngầm PerchPeto. "Bầy sói" khởi hành từ Midway vào ngày 4 tháng 5 cho chuyến tuần tra tại vùng biển ngoài khơi Đài Loan. Tại khu vực đảo Đông Sa thuộc biển Đông vào ngày 22 tháng 5, Picuda đã phóng bốn quả ngư lôi tấn công và đánh chìm pháo hạm Hashidate (1.200 tấn) tại tọa độ 21°18′B 117°12′Đ / 21,3°B 117,2°Đ / 21.300; 117.200,[18][20] đồng thời gây hư hại năng cho chiếc Tsukauba Maru (3.172 tấn) trong cùng loạt ngư lôi. Tsukauba Maru bị máy bay Không lực đánh chìm một ngày sau đó.[1]

Đến ngày 2 tháng 6, Picuda phát hiện một đoàn tàu vận tải 12 chiếc đang đi dọc bờ biển Đài Loan. Sau khi thông báo vị trí mục tiêu cho các tàu ngầm khác trong "Bầy sói", nó lách qua giữa các tàu hộ tống và phóng ngư lôi nhắm vào một tàu chở dầu lớn, nghe được ba tiếng nổ lớn, và sau đó cơ động né tránh nhiều quả mìn sâu được các tàu hộ tống thả xuống phản công. Nó tiếp tục tuần tra ngoài khơi Đài Loan cho đến ngày 4 tháng 6, rồi băng qua phía đông quần đảo Ryūkyū để đến vị trí phía Bắc Chichi Jima vào ngày 14 tháng 6. Hai ngày sau đó, nó được lệnh rút lui về căn cứ, đi đến Midway vào ngày 22 tháng 6 và đến Trân Châu Cảng vào ngày 27 tháng 6.[1]

Chuyến tuần tra thứ ba

Dưới quyền chỉ huy của Hạm trưởng mới, Trung tá Hải quân Glynn R. Donaho, Picuda tham gia một "Bầy sói" bao gồm các tàu ngầm Spadefish (SS-411)Redfish (SS-395), rồi xuất phát từ Trân Châu Cảng vào ngày 23 tháng 7 cho chuyến tuần tra tại khu vực eo biển Luzon giữa Đài Loan và đảo Luzon. Vào ngày 25 tháng 8, nó phát một đoàn tàu mười chiếc đang di chuyển cách bờ biển Luzon khoảng 4.000 yd (3.700 m). Lách qua năm tàu hộ tống và dưới sự giám sát của ba máy bay đối phương tuần tra trên không, nó phóng sáu quả ngư lôi đánh chìm tàu chở hàng Kotoku Maru (1.943 tấn),[18] rồi tiếp tục cơ động và đánh chìm tàu khu trục Nhật Yūnagi (1.270 tấn) ở vị trí cách 20 mi (32 km) về phía Bắc Đông Bắc mũi Bojeador thuộc Luzon, tại tọa độ 18°46′B 120°46′Đ / 18,767°B 120,767°Đ / 18.767; 120.767, khiến 32 thành viên thủy thủ đoàn thiệt mạng và 19 người khác bị thương.[18][21][1]

Xâm nhập sâu hơn trong eo biển Luzon vào ngày 16 tháng 9, Picuda phát hiện và tấn công vào ban ngày một đoàn tàu vận tải tám chiếc được ba tàu khu trục bảo vệ và máy bay che chở trên không. Nó đã phóng ngư lôi tấn công, trúng đích ba quả và đánh chìm được tàu chở hàng Tokushima Maru (5.975 tấn) trong eo biển Bashi, tại tọa độ 21°27′B 121°35′Đ / 21,45°B 121,583°Đ / 21.450; 121.583,[18][22] khiến 82 hành khách, 52 thủy thủ và 44 pháo thủ tử trận, cùng gây hư hại cho hai tàu chở hàng khác. Đi xuống phía Nam khu vực tuần tra, nó phát hiện một đoàn tàu vận tải khác đi dọc bờ biển phía Bắc Luzon vào ngày 21 tháng 9; nó phóng ba quả ngư lôi nhắm vào chiếc Awaji Maru (1.948 tấn), lúc này đang vận chuyển 500 tấn đạn dược và 500 hành khách. Hai quả ngư lôi đánh trúng phòng động cơ đã khiến Awaji Maru nổ tung, vỡ làm đôi và đắm tại tọa độ 18°43′B 120°52′Đ / 18,717°B 120,867°Đ / 18.717; 120.867.[18][23] Picuda sau đó gặp gỡ các tàu ngầm Barb (SS-220)Queenfish (SS-393), rồi cùng đồng đội rời khu vực tuần tra để quay trở về căn cứ, đi đến Majuro vào ngày 3 tháng 10.[1]

Chuyến tuần tra thứ tư

Dưới quyền chỉ huy của Hạm trưởng mới, Trung tá Hải quân Evan T. Shepard, Picuda tham gia một "Bầy sói" bao gồm các tàu ngầm Queenfish và Barb, rồi cùng khởi hành từ Majuro vào ngày 27 tháng 10 cho chuyến tuần tra thứ tư. Sau khi ghé lại Saipan trong các ngày 12 tháng 11 để tiếp thêm nhiên liệu, "Bầy sói" hướng đến khu vực phía Bắc biển Hoa Đông về phía Tây đảo Kyūshū. Tại khu vực về phía Tây Nam Nagasaki vào ngày 17 tháng 11, nó phóng ngư lôi lúc 18 giờ 15 phút tấn công tàu chở hành khách hàng hóa Mayasan Maru (9.433 tấn), lúc này đang vận chuyển binh lính thuộc Sư đoàn 23 Lục quân. Mayasan Maru đắm sau hai giờ rưỡi tại tọa độ 33°17′B 124°41′Đ / 33,283°B 124,683°Đ / 33.283; 124.683, khiến 56 thủy thủ, 194 pháo thủ cùng 3.187 binh lính trên tàu thiệt mạng, trở thành một trong những tổn thất hàng hải lớn nhất trong Thế Chiến II.[18][24][1]

Đến ngày 23 tháng 11, Picuda tiếp cận một đoàn tàu vận tải ngoài khơi bán đảo Triều Tiên, luồn qua giữa hai tàu hộ tống để tấn công, đánh chìm được tàu chở hàng Shuyo Maru (6.933 tấn) lúc 03 giờ 48 phút tại tọa độ 34°14′B 128°28′Đ / 34,233°B 128,467°Đ / 34.233; 128.467, khiến 60 hành khách cùng 23 thủy thủ thiệt mạng.[18][25] Đến 08 giờ 45 phút, nó tiếp tục đánh chìm tàu chở hành khách-hàng hóa Fukuju Maru (5.296 tấn) tại tọa độ 34°10′B 128°58′Đ / 34,167°B 128,967°Đ / 34.167; 128.967, khiến 28 thành viên thủy thủ đoàn tử trận.[18][25] Các tàu hộ tống đã phản công với 23 quả mìn sâu được thả xuống, nhưng chiếc tàu ngầm thoát đi mà không bị hư hại. Nó rời khu vực tuần tra sáu ngày sau đó, về đến căn cứ Apra Harbor, Guam vào ngày 2 tháng 12.[1]

1945

Chuyến tuần tra thứ năm

Khởi hành vào ngày 29 tháng 12, 1944 cho chuyến tuần tra thứ năm, hướng đến khu vực tuần tra tại eo biển Đài Loan và dọc bờ biển Trung Quốc ngoài khơi Thượng Hải. Nó nhận được thông báo phát hiện mục tiêu từ tàu ngầm Barb vào ngày 7 tháng 1, 1945, tiếp cận một đoàn tàu vận tải trong eo biển Đài Loan, và phóng trúng bốn quả ngư lôi gây hư hại cho tàu chở dầu Munakata Maru (10.045 tấn). Đến chiều ngày hôm sau, khi nhận một thông báo khác của Barb, nó luồn qua giữa hai tàu hộ tống để tiếp cận, phóng hai loạt ba quả ngư lôi phía mũi nhắm vào hai tàu chở hành khách-hàng hóa lớn, rồi quay mũi và phóng loạt ngư lôi phía đuôi nhắm vào một tàu chở dầu. Phát hiện một tàu hộ tống chỉ cách 700 yd (640 m) ngay trước mặt, nó buộc phải rời khỏi khu vực. Đợt tấn công phối hợp giữa Picuda và Barb đã khiến các tàu chở dầu ven biển Hikoshima Maru (2.854 tấn), tàu chở hàng Meiho Maru, tàu chở hàng Hisagawa Maru (6.600 tấn) và tàu chở dầu ven biển Manju Maru (6.516 tấn) bị hư hại và mắc cạn.[26][1]

Picuda rời khu vực để làm nhiệm vụ tìm kiếm và giải cứu hỗ trợ cho chiến dịch không kích xuống Đài Loan của các tàu sân bay thuộc Đệ Tam hạm đội. Đến sáng sớm ngày 29 tháng 1, qua làn mưa và sương mù, nó phát hiện ít nhất ba tàu lớn và bắt đầu truy đuổi. Nó phóng ngư lôi vào các mục tiêu, bắn trúng một quả vào chiếc tàu chở hành khách và hai quả vào một tàu buôn; tuy nhiên một thủy phi cơ đối phương xuất hiện khiến chiếc tàu ngầm không thể tiếp tục tấn công. Chiếc tàu chở hành khách-hàng hóa Clyde Maru (5.497 tấn) chết đứng tại chỗ, và sau đó đắm ở vị trí khoảng 90 mi (140 km) về phía Bắc Cơ Long, Đài Loan, tại tọa độ 25°20′B 121°06′Đ / 25,333°B 121,1°Đ / 25.333; 121.100; 972 binh lính, 66 pháo thủ cùng 61 thành viên thủy thủ đoàn đã tử trận cùng con tàu.[18][27] Kết thúc chuyến tuần tra, Picuda đi đến Tanapag Harbor, Saipan vào ngày 5 tháng 2, và về đến Trân Châu Cảng vào ngày 15 tháng 2.[1]

Chuyến tuần tra thứ sáu

Khởi hành từ Trân Châu Cảng vào ngày 15 tháng 3, Picuda dành phần lớn thời gian trong chuyến tuần tra thứ sáu cho nhiệm vụ tìm kiếm và giải cứu ngoài khơi Trung Quốc. Sau khi được tiếp thêm nhiên liệu tại Apra Harbor, Guam vào ngày 29 tháng 3, đi đến khu vực tuần tra ngoài khơi eo biển Kii vào ngày 2 tháng 4, hỗ trợ cho hoạt động không kích của máy bay ném bom B-29 Superfortress xuống chính quốc Nhật Bản. Đến ngày 6 tháng 5, nó gặp gỡ tàu chị em Scabbardfish (SS-397) để tiếp nhận năm thành viên một đội bay B-29, và đưa họ đến Tanapag Harbor vào ngày 10 tháng 5.[1]

Sau khi được bảo trì cặp bên mạn tàu tiếp liệu tàu ngầm Orion (AS-18) tại Tanapag Harbor, Picuda khởi hành vào ngày 11 tháng 5 để hướng sang vùng bờ Đông, có các chặng dừng tại Trân Châu Cảng; San Francisco, California; và băng qua kênh đào Panama trước khi đi đến Xưởng hải quân Portsmouth Kittery, Maine vào ngày 22 tháng 6 để được đại tu. Đang khi nó vẫn còn trong xưởng tàu, Nhật Bản chấp nhận đầu hàng vào ngày 15 tháng 8, giúp chấm dứt vĩnh viễn cuộc xung đột. Picuda được điều động sang Đôi tàu ngầm 201 thuộc Hải đội Tàu ngầm 20, Hạm đội Đại Tây Dương, và khi rời xưởng tàu vào ngày 18 tháng 10, nó chuyển đến Căn cứ Tàu ngầm Hải quân New London vào ngày 31 tháng 10, bắt đầu hoạt động như một tàu huấn luyện cho Trường Tàu ngầm Hải quân.[1]

1946

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: USS Picuda (SS-382) https://www.history.navy.mil/research/histories/sh... http://navsource.org/archives/08/pdf/0829295.pdf http://www.ibiblio.org/hyperwar/Japan/IJN/JANAC-Lo... http://www.navsource.org/archives/08/08382.htm https://uboat.net/allies/warships/ship/3118.html https://archive.org/details/americansubmarin0000le... https://tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?lang... https://tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?lang... https://tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?lang... https://tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?lang...